Vẫn khó mua nhà ở xã hội

Nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội và điều kiện để được mua nhà ở xã hội hiện là rào cản lớn nhất với người lao động, tiếp đó là khó tiếp cận ngân hàng, khó cạnh tranh suất mua, hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp… Theo giới chuyên gia, quy định thu nhập mua nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, vì vậy đã đến lúc điều chỉnh các điều kiện mua nhà ở xã hội để người lao động sớm có chốn an cư.

Khu nhà ở xã hội tại xã Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội).

Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, người được mua nhà ở xã hội gồm: Người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn và đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị; lao động tại khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị công an, quân đội; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường. Một trong những điều kiện quan trọng để trở thành người thu nhập thấp ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Tuấn Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Hiện giá nhà ở xã hội tăng khoảng 20 triệu đồng/m2, trong khi vợ chồng tôi thu nhập mỗi người khoảng 8 triệu đồng/tháng. Chi phí sinh hoạt thuê nhà, ăn uống, học phí của các con dù tiết kiệm nhưng đã hết 2/3. Hiện một căn nhà nhà ở xã hội có giá chừng 1,5 tỉ đồng. Theo quy định, người mua phải phải thanh toán trước từ 20-30%, tương đương 300 - 450 triệu đồng, còn lại phải vay ngân hàng gói 120.000 tỉ đồng trong 20 năm lãi suất 8,2%/năm. Mỗi tháng trả gốc và lãi trung bình từ 10-13 triệu đồng/tháng. “Như vậy, số tiền còn lại không đủ cho gia đình tôi trang trải. Bởi thế giấc mơ nhà ở xã hội vẫn không dễ thực hiện”.

Với gia đình chị Trần Thanh Hương phải thuê nhà tại quận Bình Thạnh, TPHCM từ 5 năm nay, chị chia sẻ: Thu nhập của vợ chồng tôi mỗi người gần 12 triệu đồng/tháng, chúng tôi phải đóng thuế thu nhập cá nhân nên không thuộc diện được mua nhà ở xã hội, dù gia đình đang rất có nhu cầu.

Cùng với đó cư trú cũng là một trong những điều kiện cần để có được suất mua nhà xã hội. Thuộc nhóm thu nhập thấp, chị Hằng vẫn bị loại từ vòng hồ sơ do không có tạm trú đăng ký 1 năm khi nộp mua nhà ở xã hội ở khu Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Liên quan tới thu nhập, có ý kiến cho rằng, giá nhà hiện nay đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua. Trước đây, giá nhà ở xã hội có 13- 15 triệu đồng/m2 nhưng nay đã gần 20 triệu đồng/m2. Khung thu nhập thấp dẫn đến việc người mua nhà phải chi trả quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng. Theo đó Bộ Xây dựng phải thay đổi điều kiện mua nhà trong Luật Nhà ở hoặc Bộ Tài chính phải nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân.

Một lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, thực tế có trường hợp người mua đáp ứng đủ tiêu chí mua nhà ở xã hội nhưng không có nghĩa đạt đủ chuẩn về điều kiện vay theo gói 120.000 tỷ đồng. Theo đó, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ cụ thể từng đối tượng khách hàng, xem khả năng trả nợ của khách để cho vay. Đây là gói vay thương mại nên mọi tiêu chí cũng phải đáp ứng theo quy định của từng ngân hàng. Nếu thu nhập của người mua nhà ở xã hội thấp, người mua khó có cơ hội vay. “Với thu nhập 11 triệu đồng/người/tháng trong gia đình như quy định hiện nay, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, khả năng trả nợ của người dân có hạn nên phần lớn sẽ không thể mua căn hộ có giá hơn 1 tỉ đồng do khó đáp được yêu cầu của ngân hàng khi duyệt cho vay”, vị này cho biết.

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về nhu cầu nhà ở, tính chung cho cả nước, 57% người lao động tham gia khảo sát muốn mua nhà, trong đó tỷ lệ người lao động muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện nhà ở xã hội gần như tương đương nhau, tương ứng là 28% so với 29%. Nhu cầu về nhà ở xã hội theo đó, cao gấp hơn 1,5 lần so với tỷ lệ người lao động hiện đang ở nhà ở xã hội (18%). Điều này cho thấy chủ trương phát triển 1 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ đang chỉ đạo trọng tâm là chủ trương được xã hội nói chung và người lao động hết sức đón nhận.

Nhưng thực tế cho thấy còn không ít khó khăn khi mua nhà ở xã hội và “điều kiện để được mua nhà ở xã hội hiện là rào cản lớn nhất với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này. Có 3 khó khăn lớn khác ở góc nhìn của người lao động là: Thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); khó cạnh tranh suất mua (32%); hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).

Theo đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị, để đạt hiệu quả trong thực tế triển khai, giúp phần đông người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh tên chương trình/đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" thành “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho người lao động thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, đi liền với việc giảm mạnh lãi suất cho vay và áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình.

Hiện Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhưng vẫn giữ nguyên điều kiện với đối tượng mua nhà ở xã hội như: Người thu nhập thấp, làm việc tại doanh nghiệp không thuộc diện nộp thuế thu nhập; có tạm trú đăng ký 1 năm tại tỉnh có nhà ở xã hội…

Từ những bất cập trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị, đã đến lúc điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội, đồng thời nới lỏng một số điều kiện về thu nhập, cư trú để người có nhu cầu dễ tiếp cận.