TP. HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư trong 3 tháng

Thị trường bất động sản tại TP. HCM và vùng phụ cận được đánh giá đã có sự phục hồi so với trước đó.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố trong quý II/2023 có sự phục hồi nhẹ. Các chỉ số như tỷ lệ tăng trưởng, doanh thu bán hàng, vốn đầu tư nước ngoài, tác động tích cực đến ngành xây dựng… đều được cải thiện.

Trong quý II/2023, TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là dự án chung cư quy mô 650 căn hộ tại P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức do CTCP Đầu tư Xây dựng và kinh doanh Bất động sản Phương Nam làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng với tổng quy mô 2.061 căn, và 8 dự án được xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, cung ứng 6.313 căn nhà ra thị trường.

Trong quý II, có khoảng 6.313 giao dịch được thực hiện, trong đó, 5.834 giao dịch căn hộ chung cư và 479 giao dịch nhà ở thấp tầng.

Lý giải nguyên nhân thị trường bất động sản TP.HCM có sự phục hồi, Sở Xây dựng cho rằng do cơ quan chức năng đã có những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của từng dự án, nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, điều chỉnh danh mục đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm, tính toán lại giá bán và đưa ra phương thức thanh toán linh hoạt hơn.

TP. HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư trong 3 tháng - Ảnh 1.

 

Đánh giá về thị trường bất động sản TP.HCM quý II/2023, Sở Xây dựng cho rằng, thị trường đã có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa ổn định. Dự báo sang quý III, thị trường vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ do không có thêm nhiều dự án mới, hành lang pháp lý vẫn đang được hoàn thiện và các doanh nghiệp vẫn phải giải quyết những khó khăn nội tại.

Theo báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý II/2023 của DKRA, nguồn cung và lượng tiêu thụ của phân khúc đất nền tăng đáng kể so với quý trước, tăng lần lượt là 2,3 lần và 4,8 lần. Bình Dương tiếp tục là địa phương dẫn đầu khi chiếm 79% tổng nguồn cung và 87,6% tổng lượng tiêu thụ mới của khu vực TP.HCM và vùng phụ cận.

Ở phân khúc này, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với quý trước, các giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm 10% - 12% so với cùng kỳ, thanh khoản khá thấp, phần lớn tập trung ở nhóm dự án chưa hoàn thiện pháp lý.

“Trước những động thái tháo gỡ vướng mắc từ Nhà nước về chính sách pháp lý, giảm lãi suất cũng như tăng cường giải ngân trong thời gian qua, được xem là tín hiệu tích cực đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng”, báo cáo nêu rõ.

Đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong quý 2/2023 ghi nhận tăng 33% so với quý trước, nhưng sụt giảm 87% so với cùng kỳ. Trong đó, TP.HCM và Bình Dương chiếm gần 90% nguồn cung mở bán mới trong quý.

TP. HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư trong 3 tháng - Ảnh 2.

Nguồn: DKRA Group.

Tỷ trọng phân khúc căn hộ hạng C gia tăng đáng kể, chiếm 39% nguồn cung mới toàn thị trường, phân bổ chủ yếu tại 3 thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương là Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một. Riêng tại TP.HCM, phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục dẫn đầu, chiếm 91% nguồn cung mở bán mới trong quý, các dự án tập trung tại khu Đông, thành phố Thủ Đức.

Theo báo cáo của DKRA, sức cầu chung toàn thị trường tăng so với quý 1 nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ, lượng tiêu thụ nguồn cung mới chỉ đạt khoảng 10% so với quý 2/2022. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, trong khi giá thứ cấp tiếp tục sụt giảm, mặt bằng giá bán thứ cấp ghi nhận giảm phổ biến 3% - 7% so với quý trước, tuy nhiên thanh khoản vẫn ở mức thấp.

Tại phân khúc nhà phố, biệt thự, nguồn cung mới sụt giảm mạnh bằng 6% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 41% so với quý 1/2023. Sức cầu thị trường ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ ghi nhận bằng khoảng 1% so với cùng kỳ, giao dịch tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm dưới 5 tỷ đồng/căn.

Thị trường sơ cấp ghi nhận mức giảm 5% - 7%, thị trường thứ cấp ghi nhận mức giảm 9% - 11% so với đầu năm, tuy nhiên thanh khoản thị trường ở mức khá thấp. Các chính sách cam kết thuê lại, chiết khấu 20% - 30% cho phương án thanh toán nhanh được một số chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Lãi suất cho vay bất động sản có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng với việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công... được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản trong trung và dài hạn.